Nghiệp vụ cho vay là nghiệp vụ sinh lợi chủ yếu của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng nếu xét về thời hạn thì nghiệp vụ cho vay chủ yếu là cho vay ngắn hạn. Chính loại cho vay này giúp cho tổ chức tín dụng giữ được khả năng thanh toán, vì nó thích ứng với kết cấu bên khoản mục bên tài sản nợ. Tuy nhiên đối với ngân hàng kinh doanh đa năng và Ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn khi tỷ trọng các loại tiền gửi dài hạn tăng lên thì họ cũng mở rộng các khoản tín dụng trung và dài hạn.
Khối lượng tín dụng của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương nghiệp để thực hiện các khoản thanh toán và dự trữ hàng hoá. Ngoài ra ngân hàng thương mại , tổ chức tín dụng còn cho vay đầu tư phát triển dưới hình thức tài trợ vay trung và dài hạn với một tỷ trọng hợp lý; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực tiêu dùng...
Các Ngân hàng thương mại , tổ chức tín dụng làm tốt nghiệp vụ cho vay cũng chính là thực hiện một trong những chức năng của Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng: chức năng tín dụng ngân hàng, nó sẽ đưa lại những kết quả và thuận lợi mới cho Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng và nền kinh tế.
Trước hết nó phục vụ việc phân phối lại vốn giữa các ngành kinh tế khác nhau, góp phần vào việc bình quân hoá tỷ suất lợi nhuận và góp phần tích tụ, tập trung vốn đối với nền kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi được giải phóng ra khỏi quá trình tuần hoàn của tái sản xuất và các khoản tiền gửi, tiền tiết kiệm của các tầng lớp khác nhau trong xã hội được tập trung vào các ngân hàng với một khối lượng rất lớn. Số vốn này được các ngân hàng cho các nhà sản xuất vay bất kể họ sản xuất ở ngành nào. Do vậy mà tín dụng phục vụ việc phân phối lại vốn giữa các ngành.
Mặt khác, quá trình cạnh tranh trong sản xuất đã dẫn đến các nhà sản xuất từ bỏ ngành nào có lợi nhuận thấp để chuyển sang sản xuất ở ngành khác có lợi nhuận cao hơn. Do vậy mà có sự dịch chuyển vốn từ ngành này sang ngành khác. Sự dịch chuyển vốn này gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc.... Đòi hỏi phải có một số lượng vốn lớn mới đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết các khó khăn này, các nhà sản xuất đã dựa vào quan hệ tín dụng. Tức là họ xin vay vốn tại các ngân hàng để đầu tư vào ngành sản xuất có lợi nhuận cao. Khi có sự tham gia của tín dụng, sự dịch chuyển vốn giữa các doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng đã kích thích quá trình tái sản xuất xã hội, tăng sức cạnh tranh làm thay đổi lợi nhuận cá biệt vốn có của các ngành tạo nên tỷ suất lợi nhuận bình quân của toàn bộ nền kinh tế.
Cũng từ việc phân phối lại vốn mà tín dụng được đầu tư vào các doanh nghiệp lớn làm cho họ đứng vững trong cạnh tranh và thôn tính được các doanh nghiệp nhỏ. Bởi vậy các doanh nghiệp nhỏ muốn tồn tại phải tập trung vốn lại với nhau bằng cách hợp nhất lại thành các doanh nghiệp lớn. Do vậy các công ty cổ phần lần lượt ra đời. Tín dụng càng phát triển, càng đẩy nhanh việc tập trung vốn vào công ty cổ phần.
Ngoài ra, tín dụng góp phần gia tăng tốc độ tích luỹ vốn. Từng doanh nghiệp muốn tích luỹ vốn để phát triển sản xuất phải trải qua một thời gian dài. Nhờ có tín dụng mà các khoản vốn nhàn rỗi được tập trung lại vào các ngân hàng và các ngân hàng đã cho các doanh nghiệp vay kịp thời làm cho sản xuất phát triển mạnh, nhanh chóng tăng cường tích luỹ vốn cho từng doanh nghiệp .
Tóm lại làm tốt nghiệp vụ cho vay Ngân hàng Thương mại - Tổ chức tín dụng thực hiện chức năng tín dụng ngân hàng tạo cho tổ chức tín dụng có vai trò nổi bật trên các mặt sau đây:
Một là, thông qua chức năng phân phối lại vốn, tín dụng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể: Tín dụng làm cho quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, thu lợi nhuận tối đa cho những nhà sản xuất lớn; tín dụng thúc đẩy quá trình cạnh tranh tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Hai là; tín dụng được coi như một công cụ trong chính sách tiền tệ quốc gia để thực hiện điều hoà lưu thông tiền làm cho tiền tệ ổn định. Thông qua tín dụng, Ngân hàng Trung ương tiến hành việc phát hành thêm tiền vào lưu thông hoặc bớt tiền ra khỏi lưu thông tuỳ theo yêu cầu phát triển kinh tế. Như vậy, yêu cầu quy luật lưu thông tiền tệ được tôn trọng.
Ba là, tín dụng là công cụ tài trợ cho các ngành kinh tế kém phát triển. Nhờ có tín dụng cấp vốn mà nhiều lĩnh vực kinh tế, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi và phát huy được thế mạnh. Mặt khác, tín dụng góp phần tác động để tăng cường chế độ hạch toán kinh tế của các doanh nghiệp.
Bốn là, tín dụng tạo điều kiện phát triển các quan hệ kinh tế với nước ngoài. Tín dụng là phương tiện nối liền kinh tế trong nước với kinh tế nước ngoài.
Theo Voer
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!