Với một nền kinh tế sử dụng tiền mặt như Việt Nam hiện nay thì nhiều cá nhân tổ chức cần gì phải sang tận Panama mà có thể tránh thuế, trốn thuế ngay tại Việt Nam. Đây là quan điểm của LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC.
Theo LS Đức, ở Việt Nam không ai bị đánh thuế thu nhập vì không chứng minh được nguồn gốc tài sản. Thực tế từ trước đến nay, việc truy nguồn gốc tài sản của cá nhân ở Việt Nam hầu như chưa có tiền lệ.
Khó quy tội trốn thuế
Ngay sau khi Hồ sơ Panama được công bố công khai, người dân đã đổ dồn sự chú ý vào việc xử lý của các cơ quan thuế và chống tham nhũng.
Với việc người dân trên khắp thế giới có thể truy cập để xem dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản ngân hàng do cá tổ chức, cá nhân lập ở nước ngoài thì Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore (DN do cá nhân tổ chức thành lập ở nước ngoài) và 23 công ty trung gian trong danh sách “tài liệu Panama”.
Chiều ngày 10/5, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các vụ chức năng bàn về hướng nghiên cứu, điều tra khả năng trốn thuế của các cá nhân có tên trong tài liệu Panama.
Tuy nhiên theo đại diện Tổng cục Thuế, trước khi yêu cầu họ kê khai, giải trình, cần phải xác minh cụ thể cá nhân, DN nào.
Nếu chỉ dựa vào các thông tin quốc tế công bố, chưa thể biết được cụ thể người đó tên tuổi ra sao, địa chỉ ở đâu.
Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế, lách thuế… hay không.
LS Trương Thanh Đức cho rằng, để xác định việc các cá nhân có tên trong hồ sơ Panama trốn thuế là chuyện rất khó.
Giả sử đó là tiền của cá nhân gửi vào tài khoản nước ngoài thì Luật thuế Thu nhập cá nhân của Việt Nam cũng không truy ngược vấn đề này.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định về việc truy nguồn gốc tài sản để đánh thuế thu nhập cá nhân như một số quốc gia tiên tiến. Trốn thuế thu nhập cá nhân chỉ khi xác định được người có nguồn thu mà không chịu đóng thuế.
Nếu tổ chức, cá nhân mà chuyển tiền sang các quốc gia có thuế suất thấp để đầu tư với mục đích giảm chi phí, tăng lợi nhuận thì họ không bị coi là trốn thuế.
Quy định của Việt Nam về vấn đề này không nằm ngoài quy định chung của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, nếu cứ nhìn vào danh sách cá nhân, tổ chức có tên trong “hồ sơ Panama” thì chưa thể kết luận được gì.
Đặc biệt, với cách quản lý tiền tệ như hiện nay thì cá nhân có tài sản cứ để ở Việt Nam là yên tâm nhất, họ có thể mua bất cứ thứ gì mà không bị chứng minh thu nhập.
Trong khi đó, từ vụ “hồ sơ Panama” có thể thấy, việc dùng tài khoản ngân hàng thì xác minh tài chính và tài sản đơn giản hơn rất nhiều.
Để kiểm soát tiền bẩn, tiền tham nhũng hay trốn thuế quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Kiểm soát tham nhũng thế nào?
Từ vụ “hồ sơ Panama”, vấn đề tham nhũng một lần nữa lại được đặt ra như một thách thức đối với Việt Nam.
Mặc dù, trà lời phỏng vấn của báo chí ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc xuất hiện trong “hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.
Đây mới chỉ là thông tin một chiều, nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo. Nếu có căn cứ, Trung ương và Chính phủ có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng chống tham nhũng để xác minh, làm rõ.
Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định rằng, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta những năm qua còn rất hạn chế. Đặc biệt nhìn từ việc kê khai tài sản của cán bộ công chức.
Sau một thời gian dài thực hiện kê khai tài sản, nhưng hoạt động này vẫn còn quá hình thức. Theo Đại biểu Đỗ Văn Đương – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc kê khai tài sản cán bộ công chức quan trọng nhất ở những người có chức vụ cao, người có quyền quyết định cấp dự án, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ…
Vấn đề chính là phải kiểm soát được thu nhập của người có chức vụ cao, còn cán bộ, công chức bình thường, kê khai chỉ mang tính hình thức.
Pháp luật không loại trừ ai, vấn đề ở đây là phải thực hiện thế nào, phát hiện ra làm sao. Các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra khá nhiều giải pháp như thành lập một cơ quan độc lập chống tham nhũng và trao cho cơ quan này nhiều thẩm quyền mạnh mẽ hơn…
Tuy nhiên, việc xác định nguồn tiền vẫn là một yêu cầu hàng đầu và là một thức thức khó vượt qua từ nhiều năm nay.
Theo LS Đức, muốn minh bạch nguồn tiền thì chỉ còn cách thanh toàn không dùng tiền mặt. Trốn thuế cũng như tham nhũng sẽ không thể tiêu được tiền ở một nền tài chính minh bạch, không dùng tiền mặt.
Tại các quốc gia tiên tiến, tiền bẩn, tiền trốn thuế, tiền tham nhũng không dễ dàng tiêu được vì họ hạn chế dùng tiền mặt.