Vào giữa tháng 6/2014, trưởng phòng truyền thông một công ty chứng khoán cỡ vừa ở Hà Nội nhận được email từ một tạp chí về tài chính có tên tuổi của nước ngoài. Nội dung bức thư chúc mừng công ty chứng khoán nọ có nhiều khả năng đoạt giải thưởng thường niên của tạp chí này và đề nghị cung cấp thêm thông tin để cập nhật trên website của họ.
Quá vui mừng, vị trưởng phòng truyền thông làm hồ sơ, phản hồi ngay và báo cáo ban giám đốc cùng hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ngay sau khi phản hồi, đại diện phía tạp chí nọ đề nghị thêm các điều khoản bổ sung và dự kiến phải đóng khoảng hơn 20.000 USD cho một gói truyền thông trên tạp chí này sau khi nhận giải.
Do không nhận được sự đồng ý của ban giám đốc, vị trưởng phòng truyền thông đành từ chối. Tuy nhiên, đại diện của tạp chí nọ không ngừng “truy đuổi” khi liên tục email, gọi điện thoại vào số di động để tư vấn, đàm phán… về chi phí và tính hợp lý giải thưởng. Trình lại với ban điều hành và vẫn không được chấp thuận vì công ty cần tiết kiệm chi phí marketing, vị trưởng phòng chốt từ chối với đại diện tạp chí tài chính quốc tế có tên tuổi nọ.
Danh hiệu Hoa hậu với giải thưởng lớn nhất có thể gây tranh cãi nhưng các giải phụ gần như không bao giờ có ai khiếu nại. Ảnh: Zing.
Tình cờ, kiểm tra danh sách các công ty, nhà băng trong nước đoạt giải thưởng của tạp chí trên, vị trưởng phòng phát hiện rất nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng lớn đều có mặt. Thế nhưng, điều thú vị là trong đó có cả tên ngân hàng cực kỳ bết bát đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Cũng từ đó, vị lãnh đạo này không còn tin tưởng mấy vào những giải thưởng dù đó là những tạp chí tài chính quốc tế được coi là có tên tuổi.
Thời gian gần đây, câu chuyện về ngân hàng “tốt nhất” lại nóng trở lại khi nghi vấn bỏ tiền mua giải thưởng được lan truyền. Thực tế, một số ngân hàng cũng tiết lộ, việc họ chi tiền cho gói truyền thông của đơn vị tổ chức sau khi nhận giải thưởng là có thật. Vậy đây có phải là tiền mua giải thưởng không và những tạp chí làm việc này có phải là những đơn vị không có uy tín?
Theo tiết lộ của một lãnh đạo ngân hàng lớn từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về tài chính: “Thực tế, những tạp chí như Euro Money, The Banker… có uy tín và khi làm giải thưởng họ đều có những căn cứ nhất định. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc thi hoa hậu, không phải danh hiệu hoa hậu nào cũng giống nhau”.
Chuyên gia này phân tích, giải thưởng ngân hàng thanh toán tốt nhất, cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất… tương tự như danh hiệu Hoa hậu có mái tóc đen nhất và sẽ không có ai đi hỏi: “Tóc tôi cũng đen không kém mà sao không chọn tôi?”.
“Trong một cuộc thi hoa hậu thì có thể có danh hiệu hoa hậu gầy nhất, béo nhất, gót chân nhỏ nhất, cao nhất… hay hoa hậu thân thiện nhất và đều đúng cả mà không có ai kiện cáo, cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Thế nhưng, điều này sẽ làm hài lòng nhà tài trợ và đảm bảo cho cuộc thi diễn ra vui vẻ, có hiệu ứng lan tỏa tốt bởi những hoa hậu được giải sẽ ra sức quảng bá cho danh hiệu của mình”, ông này bổ sung.
Theo tiết lộ của một chuyên gia từng là thành viên trong một số giải thưởng về ngân hàng tại Việt Nam, dù đoạt các giải phụ, việc các nhà băng có tên trong danh sách không đến nỗi là quá vô lý mà cũng căn cứ vào một số chỉ tiêu nhất định từ số liệu cung cấp cho ban giám khảo. Ban tổ chức sẽ phân tích các số liệu đó để đưa ra một tiêu chí tương đối hợp lý cho danh hiệu, không gây tranh cãi và “vui vẻ cả làng”.
“Còn việc các ngân hàng trả tiền cho gói truyền thông sau khi đoạt giải thưởng thì là thông lệ của tất cả các giải thưởng trên thế giới chứ không phải là cứ cuộc thi uy tín thì không có. Chỉ có điều việc này là bắt buộc hay không mà thôi. Thực tế là khi nhận được giải thưởng mà cảm thấy xứng đáng và có hiệu quả về truyền thông, các ngân hàng đều đồng ý trả chi phí này, thậm chí còn làm truyền thông bổ sung ở Việt Nam. Chi phí này chưa bao gồm việc đưa bộ sậu ra nước ngoài nhận giải thưởng nhưng nói chung hầu hết đều vui vẻ”, chuyên gia này cho biết.
Theo tiết lộ của lãnh đạo ngân hàng từng đoạt nhiều giải quốc tế, không phải nhà băng nào cũng bị tiếp cận theo lối thương mại với các giải thưởng kiểu “Hoa hậu có mái tóc đen nhất Việt Nam”. Những nhà băng lớn thường được đưa vào tự nhiên, có giải thưởng danh giá hơn và họ vẫn trả tiền cho gói truyền thông bình thường.
“Tuy nhiên, vấn đề là khi đã đưa về Việt Nam thì mức độ nhận biết của công chúng về việc đâu là giải thưởng xịn kiểu ‘Hoa hậu Việt Nam’ và đâu là ‘Hoa hậu có mái tóc đen nhất Việt Nam’ là rất khó xác định. Nhiều khách hàng chỉ nhớ mang máng là ‘ngân hàng tốt nhất’ nên mọi thứ bị lẫn lộn. Đó là điều đáng buồn nhất chứ không phải là chuyện phải bỏ tiền chi cho gói truyền thông sau giải thưởng”, ông này nói.
Nguồn: CafeF.vn