Từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện cho vay theo quy định mới tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) của Ngân hàng Nhà nước.
Đây là Thông tư vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư này thay thế Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và một số văn bản khác liên quan đến hoạt động cho vay.
Theo đó, Thông tư quy định khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là các TCTD) đối với khách hàng (khách hàng không phải là TCTD) cho phù hợp với quy định tại Luật các TCTD năm 2010, Bộ luật dân sự năm 2015, các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay và xu hướng phát triển hoạt động cho vay theo hướng tiến dần đến các thông lệ quốc tế, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của TCTD và tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay.
Thông tư gồm 3 Chương, 35 Điều. Trong đó, Chương I là những quy định chung, gồm 26 Điều, bao gồm một số quy định như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc cho vay, vay vốn, điều kiện vay vốn, những nhu cầu vốn không được cho vay, hồ sơ đề nghị vay vốn, loại cho vay, đồng tiền cho vay, trả nợ, mức cho vay, lãi suất cho vay, phí liên quan đến hoạt động cho vay, bảo đảm tiền vay, cung cấp thông tin, thẩm định và quyết định cho vay, trả nợ gốc và lãi tiền vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ quá hạn, chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí, quy định nội bộ, thỏa thuận cho vay, kiểm tra sử dụng tiền vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại...
Chương II Quy định cụ thể, gồm 6 Điều được chia làm 2 Mục: Mục 1 quy định cụ thể về hoạt động cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, Mục 2 quy định cụ thể về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; trong đó có các quy định về phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn.
Chương III Tổ chức thực hiện, gồm 03 Điều quy định về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp và tổ chức thực hiện.
Thông tư số 39 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.
Như vậy, Quy chế cho vay 1627 được ban hành từ năm 2001, sau 16 năm thực thi đã được thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Baomoi
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!