Việc mua bán, sáp nhập (M&A) các ngân hàng trong nước tiếp tục thu hút sự chú ý với một loạt thương vụ được công bố gần đây, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam.
M&A ở những ngân hàng nào?
Cổ phiếu BIDV đã tăng gần 6% từ đầu tháng 8/2019 đến nay, sau khi thương vụ bán 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) được thông qua từ ngày 22/7/2019. Nếu tính từ mức đáy gần đây nhất vào cuối tháng 5/2019, giá cổ phiếu BIDV đã tăng gần 20%.
Vietcombank đầu năm nay cũng bán thành công hơn 16,6 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho và hơn 94,4 triệu cổ phần, tương đương 2,55% cổ phần của Vietcombank cho GIC Private Limited (quỹ đầu tư quốc gia của Singapore). Với kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được thông qua và chỉ mới bán được 2,5% cho GIC, Vietcombank sẽ phát hành tiếp 6,5% vốn cổ phần trong những tháng còn lại của năm nay cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng sẽ bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, theo đó phát hành 123 triệu cổ phiếu mới và bán 38,9 triệu cổ phiếu quỹ. MBBank dự kiến sẽ chào bán cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và họ không nhất thiết phải là cổ đông chiến lược của ngân hàng.
Các ngân hàng yếu kém trong giai đoạn tái cơ cấu cũng đứng trước cơ hội tận dụng làn sóng M&A đang diễn ra. Ngân hàng Đại Dương hiện bước vào giai đoạn cuối thương vụ bán cho một ngân hàng tại khu vực châu Á. Trong khi đó, Tập đoàn J Trust của Nhật Bản cũng cho biết đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém tại Việt Nam, trong đó muốn mua lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank).
Lợi ích và tính khả thi
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp đang đổ vào Việt Nam, các thương vụ M&A nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang có nhiều thuận lợi. Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019 đã có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, trong hai năm trở lại, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc có xu hướng ưa thích góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Có thể kể đến các thương vụ đã hoàn tất như Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc mua lại toàn bộ vốn góp của Techcombank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương hồi tháng 3/2018, Ngân hàng Shinhan của Hàn Quốc mua lại mảng bán lẻ từ Ngân hàng ANZ của Úc từ cuối năm 2017.
Đứng về phía các tổ chức nhận vốn đầu tư, đối với nhóm ngân hàng yếu kém sẽ có cơ hội đẩy nhanh lộ trình phục hồi của từng ngân hàng nói riêng và công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung. Dù nhiều giải pháp tái cơ cấu được đưa ra và thực thi, nhưng rõ ràng, điều quan trọng nhất là phải nguồn “tiền tươi, thóc thật” đủ lớn rót vào để vực dậy hoạt động của các ngân hàng này.
Chỉ tính riêng ba thương vụ tại BIDV, Vietcombank và MBBank kể trên, dự kiến có thể thu về thêm 2 tỷ USD trong những tháng cuối năm nay.
Đối với nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần đang gặp áp lực về vốn, việc bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giúp tăng mạnh vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí an toàn như hệ số an toàn vốn theo Thông tư 41/2016 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dự kiến có thể giảm về còn 30% trong giai đoạn 2021-2022, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với sự hỗ trợ về công nghệ, quản lý và chiến lược của các tổ chức nước ngoài.
Ngoài ra, trong bối cảnh huy động vốn ngoại tệ có xu hướng giảm dần, việc nhận thêm nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng cải thiện được nguồn vốn ngoại tệ, phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh doanh như cho vay ngoại tệ, kinh doanh ngoại hối. Các thương vụ M&A kể trên cũng sẽ đóng góp thêm một lượng vốn ngoại tệ lớn cho nền kinh tế, góp phẩn ổn định tỷ giá trong nước trước tình hình thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu đang rất nhạy cảm trong thời điểm nhiều nước đã chủ động phá giá tiền tệ thời gian qua. Cụ thể, chỉ tính riêng ba thương vụ tại BIDV, Vietcombank và MBBank kể trên, dự kiến có thể thu về thêm 2 tỷ USD trong những tháng cuối năm nay.
Đối với nền kinh tế, các thương vụ M&A trong ngành này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, kinh nghiệm và quản trị điều hành của các tổ chức tài chính nước ngoài.
Xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào mạnh cho thấy tiềm năng phát triển ổn định của Việt Nam trong dài hạn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu ngày càng dâng cao trước các rủi ro chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, khiến dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng chững lại, rút về những nước phát triển có tính an toàn hơn.
---------------------------
Nguồn: DoanhnhanSaigon.vn
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!