Áp lực xã hội, dù nổi tiếng hay không, thì vẫn là những gánh nặng tinh thần. Và đối với những người trẻ, thì đó là những lời nguyền rủa, những lời miệt thị.
3h30 chiều, vô tình lướt newfeeds, tôi bỗng dừng lại trước tin Sulli - một cô gái trẻ Hàn Quốc 25 tuổi tự tử, nguyên nhân có thể do trầm cảm gây nên.
Sulli là một ca sĩ, diễn viên triển vọng của showbiz Hàn Quốc. Đáng lý ra, trong một ngành giải trí có tiếng như xứ sở kim chi, các nghệ sĩ sẽ có cuộc sống vui vẻ trong vòng tay yêu thương của fan hâm mộ.
Khoảng thời gian học cấp 2 chính là khoảng thời gian mà thế hệ fan hâm mộ thần tượng ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên ra đời. Chúng tôi ngày đêm nghe các bài hát của các ca sĩ nhóm nhạc, tìm mua từng quyển vở, chiếc thước kẻ, dán nhãn vở có in hình ca sĩ mình yêu thích. Chúng tôi còn "nội chiến" với nhau vì sự cạnh tranh thứ hạng giữa các nhóm. Chúng tôi cùng vui mừng khi chờ đón những nhóm nhạc mới. Chúng tôi cùng chia sẻ nỗi buồn khi có những nhóm nhạc nói lời tan rã.
Và rồi khi khoảng thời gian ấy trở thành một phần quá khứ, chúng tôi cũng trưởng thành. Đã từng có những ngày đêm, chúng tôi ăn ngủ, vui khóc cùng thần tượng. Nhưng chúng tôi chẳng thể biết được đằng sau mỗi lần xuất hiện trước fan hâm mộ như thế, các nghệ sĩ đều phải chịu đựng những áp lực khủng khiếp đến mức nào.
Đến mức nào? Chẳng ai biết.
Nhưng ngày 18/12/2017, người hâm mộ bàng hoàng khi biết tin Jong Hyun - một chàng ca sĩ trẻ thuộc nhóm nhạc SHINEE tự tử vì trầm cảm.
Và hôm nay, 14/10/2019, người hâm mộ vô cùng shock khi đọc được thông tin Sulli thuộc nhóm nhạc f(x) tự tử ở nhà riêng trong tư thế treo cổ.
Tôi đọc đâu đó rằng. Internet hiện đại nhưng, khi ai đó vì ra đi khi còn trẻ, tài khoản xã hội, những hoạt động của họ trên mạng Internet vẫn còn ghi lại dấu ấn của họ. Những người ở lại, vì vô tình hay vì thói quen khi xem lại, sẽ cảm thấy rất đau. Vì người ra đi đã ra đi khi quá trẻ. Khi những bức ảnh của họ, thứ đọng lại duy nhất là nụ cười tươi và ánh mắt vui vẻ...
Trầm cảm. Căn bệnh này có lẽ chẳng còn là một căn bệnh mới của xã hội. Thời nào chả có.
Áp lực xã hội, dù nổi tiếng hay không, thì vẫn là những gánh nặng tinh thần. Và đối với những người trẻ, thì đó là những lời nguyền rủa, những lời miệt thị.
Tôi chẳng biết gì về bệnh lý của nó, giống như những nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm thần. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ là mình đã trải qua nó.
Là khi tôi học cấp 2. Những năm cuối cấp 2. Những gì tôi nhớ lại về những ngày ấy, là một khoảng trống mờ mờ, không có hình dáng, những ngày có màu vàng của ánh đèn học và những giọt nước mắt. Tôi cũng không chắc mình đã khóc nhiều như thế nào, nhưng tôi chắc chắn những ngày ấy không phải là những ngày vui vẻ gì.
Tôi đã nghĩ về cái chết không ít lần. Tôi chỉ nhớ, có những lúc vì quá tuyệt vọng, cảm thấy quá khổ sở, mệt mỏi, tôi đã ước ai đó bắn súng vào đầu mình, để tôi có thể chết một cách nhẹ nhàng nhất, không đau đớn, không phải quyến luyến gì thế giới xung quanh này.
Con thuyền mà tôi chèo lái lúc ấy chưa đâm vào băng nhưng người chèo lái đã vội buông mái chèo để mặc cho thuyền xoay mòng mòng...
Áp lực thi chuyển cấp, áp lực từ bạn bè, áp lực từ gia đình, áp lực từ học hành, tất cả xoay quanh một đứa quá sức nhạy cảm và mong manh, khi ấy lại mới bắt đầu có ý thức về sự tồn tại của mình trong cuộc sống. Chính xác, lúc ấy, cô độc, tôi chỉ nhớ cái xó xỉnh tối tăm trong góc phòng mà tôi hay chui vào đấy để khóc thầm, cắn răng để khóc.
Có lẽ đó là mảng tối nhất trong những ngày tháng tôi đi học. Nhưng có lẽ tôi đã may mắn hơn trong số những bạn trầm cảm tự tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.
Bởi vì trong mình vẫn có một ai đó run sợ khi tôi nghĩ về cái chết, khi tôi nghĩ về sự khổ sở của bản thân. Ai đó trong tôi đã nắm lấy cánh tay khi tôi muốn thử bước chân trên không trung.
Tôi đã kéo lại được sự sống của chính mình và trở thành một con người khác khi lên cấp 3. Nhớ lại những ngày học cấp 2, tôi không còn nhớ chút nài về tính cách riêng của bản thân mình mà chỉ thấy những mảng kí ức mờ mờ, còn ở cấp 3, là một đứa lột xác hoàn toàn.
Và bây giờ, tôi ở đây, tôi hài lòng với những gì đã trải qua, với cuộc sống hiện tại. Tôi cũng không biết bản thân đã trải qua những ngày kinh khủng ấy như thế nào. Dù bây giờ, đôi lúc trong lòng tôi vẫn luôn có một góc trống trải để khi nào có nỗi buồn, tôi sẽ đem ra mà chơi đồ hàng với cảm xúc.
Tôi thì chẳng có ý định viết ra đây để khuyên nhủ ai cái gì, tôi chỉ muốn trải suy nghĩ của mình ở đây thôi. Vì tôi biết có thể nhiều người đã, đang và sẽ giống như mình!
Trầm cảm chẳng loại trừ ai mà cũng chẳng vì ai mà loại trừ.
Người trẻ chúng ta đã quá vất vả vì thế giới xung quanh rồi, vì thế hãy để trí não mình nghỉ ngơi và tận hưởng. Đừng quá quan tâm đến người đời nghĩ gì, nói gì, nhìn gì về chúng ta! "Lời nói gió bay", càng những lời không hay càng đáng để gió cuốn đi.
Cứ sống vui vẻ với phần đời bạn đang được ban tặng, còn nếu, chẳng may, bạn có trong mình một căn bệnh nào đó thì hãy mỉm cười và đối xử với nó như một người bạn! Như thế, bạn sẽ chiến thắng được tất cả, kể cả trầm cảm có nguy hiểm đến thế nào.
Hãy tin tôi, cứ an yên mà sống.
Còn người bạn đã chọn cách giải thoát cho chính mình, hãy yên nghỉ, bạn nhé. Chúng tôi sẽ sống tốt giúp bạn phần đời này!
---------------
Nguồn: Trí thức trẻ
Một số lưu ý khi bình luận
Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước
Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời
Để được tư vấn về thi tuyển ngân hàng, hãy để lại kèm số điện thoại và/hoặc email của bạn nhé!